PayPal nỗ lực giành quyền thống trị lĩnh vực xử lý thanh toán


Năm ngoái PayPal giảm giá dịch vụ thanh toán để cạnh tranh với công ty thanh toán khổng lồ Ayden của Hà Lan và các đối thủ khác. Chiến lược này có hiệu quả nhưng liệu có phải trả giá gì không?

Người tiêu dùng thậm chí hiếm khi nghĩ đến việc ai sẽ xử lý khoản thanh toán. Họ chỉ cần xử lý nhanh và không gặp rắc rối, không quan tâm tới chuyện khoản thanh toán được xử lý tại văn phòng hỗ trợ của ngân hàng truyền thống như JPMorgan hay công ty fintech (công nghệ tài chính) như PayPal hoặc Stripe.

Tuy nhiên, câu chuyện phía sau quá trình xử lý các khoản thanh toán chính là cuộc chiến đang diễn ra nhằm kiểm soát công nghệ “mua ngay.” Năm ngoái, chỉ riêng doanh thu thương mại điện tử ở Hoa Kỳ đã vượt qua 1 ngàn tỉ USD, trong đó hàng tỉ doanh thu và lợi nhuận rơi vào tay hàng chục công ty đang cạnh tranh để trở thành trung tâm của các giao dịch.

Cuộc chiến tỉ đô giữa các công ty xử lý thanh toán. Hình minh họa: Yunjia Yuan. Ảnh: Dbenitostock/ Getty Images/ Forbes

Trong số các công ty xử lý, PayPal là một doanh nghiệp khổng lồ trong ngành, với doanh thu 27,5 tỉ USD vào năm 2022. Tháng 9, CEO mới Alex Chriss, 46 tuổi, lên nắm quyền, kế thừa một công ty áp dụng chiến lược giá thấp đầy rủi ro, tương tự như cách Dell bán các “bản sao chép” PC của IBM vào những năm 1990.

Năm ngoái, công ty ở San Jose đã bắt đầu giảm chi phí dịch vụ thanh toán được cung cấp dưới thương hiệu Braintree, một dịch vụ cho phép các công ty lớn và nhỏ chấp nhận thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng cùng với những phương thức thanh toán khác từ người tiêu dùng.

Công ty nghiên cứu MoffetNathanson ước tính rằng doanh thu của Braintree đã tăng từ 6,2 tỉ USD năm 2021 lên 8,4 tỉ USD vào năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng doanh thu ròng của PayPal.

Braintree đang phát triển nhanh hơn các bộ phận khác của PayPal và những giao dịch không có thương hiệu, chủ yếu nhờ Braintree thúc đẩy, tăng 40% vào năm 2022. Mảng kinh doanh mang tên thương hiệu PayPal chỉ tăng 5% vào năm 2022.

“PayPal buộc phải làm điều gì đó để thúc đẩy sự tăng trưởng và công ty có thể từ bỏ chiến lược giảm giá,” Chris Donat, trưởng nhóm nghiên cứu thanh toán và fintech của BWG Strategy, nói.

Các nhà phân tích cho biết PayPal đang nhanh chóng thâm nhập thị trường ở Bắc Mỹ để giành thị phần trước những đối thủ cạnh tranh bao gồm Adyen và công ty công nghệ tài chính Stripe. Lợi thế của PayPal là cung cấp dịch vụ đa dạng bao gồm xử lý, ví kỹ thuật số và thanh toán mang thương hiệu hàng đầu.

PayPal cố gắng thu hút công ty bán hàng bằng cách đưa ra mức giá thấp hơn cho các dịch vụ Braintree và sau đó cung cấp cho họ những tính năng sinh lợi như thanh toán có thương hiệu, sản phẩm tín dụng hoặc PayPal Payouts mà giúp những công ty như Uber trả tiền cho tài xế.

MoffetNathanson ước tính biên lợi nhuận gộp của Braintree dao động quanh mức 28% vào năm 2021 nhưng hiện chiến lược giá thấp kéo biên lợi nhuận giảm đến 23%. Đối tác và chuyên gia phân tích cấp cao Lisa Ellis cho biết mặc dù biên lợi nhuận giảm nhưng công ty vẫn ở trên mức hòa vốn.

CEO mãn nhiệm Dan Schulman đưa ra chiến lược giá thấp đó. Vị giám đốc 65 tuổi đã nắm quyền điều hành PayPal ngay trước khi công ty tách khỏi sàn giao dịch trực tuyến eBay vào năm 2015. Ba năm sau, eBay chuyển sang sử dụng Adyen để xử lý các khoản thanh toán. Động thái này giống như lời tuyên chiến giữa các fintech.

Schulman quyết tâm mở rộng thị trường cho PayPal nên ông đã mua lại công ty thanh toán di động mới nổi iZettle và trả 4 tỉ USD cho nền tảng tích điểm thưởng Honey.

Vào mùa xuân năm 2022, Schulman bắt đầu giảm giá dịch vụ Braintree. Schulman, một người ủng hộ blockchain, cho phép khách hàng của PayPal và Venmo giao dịch bằng tiền mã hóa và gần đây ra mắt đồng tiền có giá trị ổn định (stablecoin). Ông đã từ chức hồi tháng 9 nhưng vẫn còn ngồi trong hội đồng quản trị công ty.

CEO mới Chriss gia nhập PayPal sau 19 năm làm việc tại Intuit, công ty dẫn đầu trong việc bán các sản phẩm như Quickbooks cho doanh nghiệp nhỏ và những người tự kinh doanh. Trước Intuit, Chriss đã thành lập CollegeWeb khi còn là sinh viên tại đại học Tufts. Sau đó, ông bán lại trong giai đoạn bong bóng dotcom bùng nổ mạnh vào năm 1999.

Mảng kinh doanh dịch vụ xử lý thanh toán chỉ chiếm một tỉ lệ tăng trưởng thấp. Vào năm 2022, PayPal thu về 27,5 tỉ USD, chỉ chiếm 2% trong tổng khối lượng giao dịch công ty đã xử lý với giá trị 1,36 ngàn tỉ USD.

Đối thủ Adyen kiếm được khoản doanh thu 1,4 tỉ USD, chiếm 0,17% trong tổng khối lượng giao dịch đã xử lý với giá trị 815 tỉ USD. Còn Stripe thu về 3,2 tỉ USD, chiếm 0,39%  trong tổng khối lượng giao dịch trị giá 817 tỉ USD.

Adyen thường phục vụ cho các công ty, nhà bán lẻ lớn nhất toàn cầu như McDonalds hoặc công ty sản xuất và bán lẻ quần áo Mango của Tây Ban Nha. Stripe bắt đầu phục vụ các công ty nhỏ nhưng đã chuyển sang phân khúc cao cấp. Còn PayPal có xu hướng phục vụ những nhà bán lẻ ở phân khúc tầm trung như Casper, Poshmark và Krispy Kreme.

Sức mua trên thương mại điện tử giảm sau đại dịch COVID-19 gây áp lực lên cả ba công ty trong việc duy trì mức tăng trưởng như trong thời kỳ đại dịch. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng. Năm 2020, cổ phiếu của PayPal và Adyen lần lượt tăng 116% và 173%. Nhưng năm nay, cổ phiếu PayPal giảm 19% và cổ phiếu Adyen giảm 47%.

Sự cạnh tranh giữa các công ty xử lý thanh toán ngày càng gay gắt khi Adyen nỗ lực giành thị phần lớn hơn tại thị trường Bắc Mỹ. Điểm mạnh của Adyen là thích ứng với nhu cầu và sở thích của các tổ chức tài chính khác nhau trên thế giới để tăng tỉ lệ chấp nhận cao cho những nhà bán lẻ toàn cầu.

Những nhà bán lẻ khổng lồ thường sử dụng nhiều công ty xử lý – họ có thể dùng dịch vụ của Adyen để xử lý khoản thanh toán quốc tế, đồng thời kết hợp với dịch vụ của Braintree, Stripe hoặc các công ty xử lý khác cho hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Adyen đang cố gắng sử dụng lợi thế cung cấp dịch vụ cho các khoản thanh toán quốc tế để mở rộng mối quan hệ, đồng thời thu hút thêm nhiều công ty ở Hoa Kỳ.

“Chúng tôi bắt đầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng quốc tế lớn và khách hàng Mỹ thanh toán cho đối tác quốc tế. Theo thời gian, chúng tôi có thể đạt được thành công trên thị trường nội địa,” Ethan Tandowsky, giám đốc tài chính của Adyen, cho biết tại hội nghị Goldman Sachs Communicopia & Technology hồi tháng 9.

Braintree giảm giá dịch vụ dường như khiến công ty châu Âu mất chỗ đứng. Tháng trước, Adyen báo cáo doanh thu ảm đạm, kéo cổ phiếu giảm gần 40%. Tăng trưởng doanh thu của công ty chậm lại, chỉ còn 21% so với mức 37% của năm trước.

Pieter van der Does, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của công ty, cho rằng sự chậm lại là do lãi suất cao hơn khiến khách hàng tìm đến các giải pháp thay thế xử lý rẻ hơn. Ông cho biết công ty lên kế hoạch giữ giá ổn định.

“Chúng tôi có thể giảm giá để cạnh tranh. Nhưng chúng tôi nghĩ đó không phải là chiến lược đúng,” ông nói.

Rủi ro PayPal gặp phải khi giảm phí xử lý đang gây ra một cuộc đua hạ giá dẫn đến chất lượng thấp hoặc trả lương thấp cho nhân viên. Nếu cả ba công ty đều giảm phí thì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, do PayPal có nhiều sản phẩm bán kèm nên lợi nhuận có thể bị tác động ít hơn. Một rủi ro khác đối với Chriss là khách hàng chỉ mua dịch vụ Braintree và không sử dụng sản phẩm nào khác của PayPal.

Một áp lực khác PayPal đang phải đối mặt là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc xử lý các khoản thanh toán chỉ bằng một cú nhấp chuột khi người tiêu dùng có thể chọn từ danh sách chứa nhiều nút như PayPal, mua ngay, trả sau và Apple Pay.

Apple Pay trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm khi lượng người dùng Apple Pay tăng từ 507 triệu trên toàn cầu vào năm 2020 lên hơn 700 triệu vào năm 2022. Vào tháng 4, PayPal thêm Apple Pay làm tùy chọn thanh toán trong sản phẩm dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Áp lực cạnh tranh từ các lựa chọn thanh toán thay thế như Apple Pay đã buộc PayPal phải tham gia cuộc chiến với cả bên có thương hiệu lẫn không có thương hiệu của hoạt động kinh doanh thanh toán nhằm cố gắng duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành.

PayPal, Adyen và Stripe cạnh tranh nhau để cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán cho Shopify, eBay, Etsy hoặc Ticketmaster. Các công ty này cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ bán hàng trực tiếp đến khách hàng của chính họ.

PayPal đang ưu tiên chiến lược phát triển PayPal Complete Payments, sản phẩm thanh toán dành cho các sàn giao dịch cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Adyen cũng quảng cáo rầm rộ sản phẩm Adyen for Platforms. Stripe ưu tiên cấp dịch vụ cho những sàn giao dịch, coi Shopify là một trong những khách hàng lớn nhất của mình.

“Chính xác có khoảng 25 khách hàng với khối lượng xử lý thanh toán khổng lồ mà ba trong những công ty này cạnh tranh nhau để cung cấp dịch vụ,” Ellis nói. “Một sự cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc đó.”